HỘI THẢO DI CƯ VÀ SỨC KHOẺ NGƯỜI DI CƯ NỘI ĐỊA

Mhwg , 23/09/2024 - 10:32   /  Tin mới

1. Bối cảnh

Di cư là sự tất yếu và là động lực của sự phát triển. Lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại cũng gắn liền với các cuộc di cư. Di cư mang lại những lợi ích tích cực và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa nơi đi và nơi đến.

Dân số nước ta hiện có 100,3 triệu người. Trong đó 38,24 triệu người đang sống tại đô thị, chiếm 38,13% dân số cả nước; 62,1 triệu người đang sống tại nông thôn, chiếm 61,87%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 67,4% tổng dân số1. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa tạo ra môi trường, động lực, sức hút mạnh mẽ đối với các dòng di cư.

Kết quả Điều tra Biến động Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, các dòng di cư tại Việt Nam là: Thành thị - Thành thị (44,6%), Nông thôn - Thành thị (23,7%), Nông thôn - Nông thôn (22,8%) và Thành thị - Nông thôn (9%). Như vậy, dòng di cư chủ đạo tại Việt Nam là Thành thị - Thành thị và rất cách biệt so với các dòng di cư còn lại.

Khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long [tỷ suất xuất cư là 5,2%o và tỷ suất di cư thuần (nhập cư trừ (-) xuất cư là -3,8%o], tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc (tỷ suất xuất cư là 5,0%o, tỷ suất di cư thuần là -4,5%o). Khu vực thu hút người di cư nhất là Đông Nam bộ (tỷ suất nhập cư là 10,3%o) và Đồng bằng sông Hồng (tỷ suất nhập cư là 3,7%). Các tỉnh có tỷ suất xuất cư cao là Lạng Sơn, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh/thành phố có tỷ suất nhập cư cao là Bắc Ninh, Bình Dương, Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Long An1.

Kết quả Điều tra Biến động Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người di cư trong nhóm tuổi 20-24 là cao nhất ở cả nam và nữ. Tiếp đến là những người trong nhóm tuổi 25-29 và 15-19. Nguyên nhân chủ yếu của di cư là việc làm (54,5%) và theo gia đình/chuyển nhà (15,5%), “đi học” (16%).

Xu hướng nữ hóa di cư thường quan sát được trong nhiều năm qua. Năm 2022, nữ di cư chiếm 53,2%. Tỷ lệ nữ di cư cao hơn nam di cư ở hầu hết các dòng di cư, ngoại trừ dòng di cư nông thôn - thành thị, tỷ lệ nam giới di cư cao hơn nữ giới 3,4 điểm phần trăm.

Về sức khỏe người di cư, Điều tra Di cư nội địa Quốc gia 2015: Những kết quả chủ yếu2 của Tổng cục Thống kê cho thấy, 60% số người di cư được hỏi cho biết sức khỏe hiện nay là bình thường, 2/3 (70,2%) có bảo hiểm y tế. Đa số người di cư (63%) tự chi trả chính cho lần đau/bệnh gần nhất của mình; trên 70% người di cư sử dụng dịch vụ y tế công. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ di cư (37,7%) thấp hơn so với người không di cư (58,6%). Tỷ lệ người di cư dùng rượu bia cao hơn người không di cư. Những thói quen này không chỉ hại cho sức khỏe mà còn không phù hợp với môi trường công việc.

Báo cáo Nghiên cứu thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam năm 2019 của Tổ chức Di cư quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã cho thấy còn có các rào cản, khó khăn liên quan đến tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thiếu kiến thức về quyền lợi bảo hiểm y tế, thiếu các chương trình truyền thông về sức khỏe cộng đồng, sự tham gia của các bên...

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy người di cư thuộc nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất là trong những tình huống y tế công cộng khẩn cấp (đại dịch COVID-19 vừa qua là một ví dụ). Người di cư phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn chế di chuyển, giảm lương, mất việc làm, các nguy cơ, sự chậm trễ và gián đoạn trong việc chăm sóc sức khỏe...

Sức khỏe người di cư là một vấn đề xuyên suốt, liên quan nhiều cấp, ngành, cần một cách toàn diện, liên ngành với sự tham vấn các bên liên quan. Sức khỏe người di cư cũng chính là sức khỏe của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Việt Nam đã tham gia Nghị quyết 70.15 của Hội đồng Y tế thế giới về Tăng cường sức khỏe của người di cư. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư, nhằm hướng đến việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững vào năm 2030 trên nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đó có người di cư.

Với mong muốn nhận diện một số vấn đề di cư của Việt Nam hiện nay và hướng đến việc nâng cao sức khỏe người di cư, Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Di cư và Sức khỏe Người di cư nội địa theo hình thức trực tiếp.

2. Mục tiêu:

- Tìm hiểu về xu hướng di cư nội địa và tác động của di cư trong nước đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam;

- Hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của người di cư nội địa và những thách thức mà người di cư nội địa gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

- Khuyến nghị nhằm nâng cao sức khỏe người di cư nội địa.

Báo cáo kết quả của Hội thảo sẽ được chia sẻ rộng rãi đối với các bên có liên quan cũng như bất kỳ cá nhân và tổ chức nào có thiện chí quan tâm đến chủ đề này.

3. Nội dung: 4 phiên như dự kiến Chương trình

- Phiên 1: Khai mạc & Tổng quan: Các thông điệp quan trọng về di cư và sức khỏe của người di cư sẽ được đại diện của Cục Dân số, Bộ Y tế, Tổ chức Di cư Quốc tế đề cập đến trong phát biểu khai mạc. Tổng quan về Di cư Việt Nam: Thực trạng và Những vấn đề đặt ra sẽ được trình bày trong phiên này.

- Phiên 2: Nâng cao Sức khỏe Người di cư: Phiên này sẽ tập trung vào các vấn đề sức khỏe của người di cư như thực trạng về sức khỏe người di cư và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người di cư; Sức khỏe người di cư và hướng đến bao phủ y tế toàn dân. Trong nhóm dân số di cư thì di cư vì việc làm là chủ yếu. Do vậy, sức khỏe nghề nghiệp và nâng cao sức khỏe người lao động; kinh nghiệm thực tế tại địa phương về chăm sóc sức khỏe người lao động tại khu công nghiệp sẽ được trình bày tại phiên này.

- Phiên 3: Di cư và Phát triển bền vững: Tại phiên này khung lý thuyết về di cư và phát triển bền vững sẽ được trình bày cùng với đó là các khía cạnh của di cư và phát triển kinh tế xã hội như chính sách việc làm, an sinh xã hội với lao động di cư; Vai trò và Sự tham gia của Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động di cư; Giới trong vấn đề di cư như Di cư của lao động nữ từ nông thôn đến thành thị và sự tiếp cận mạng lưới xã hội…

- Phiên 4: Di cư và Nâng cao sức khỏe người di cư: Khuyến nghị hàm ý chính sách: Phiên này là phiên thảo luận bao trùm về các vấn đề của di cư, sức khỏe người di cư, vai trò và tác động của di cư đối với phát triển kinh tế xã hội; sự tham gia của các bên trong việc nâng cao sức khỏe người di cư nói riêng và giảm thiểu những khó khăn, thách thức, rào cản đối với người di cư trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản nói chung cũng như việc phát huy vai trò, đóng góp quan trọng của người di cư đối với phát triển kinh tế xã hội ở cả nơi đi và nơi đến. Các khuyến nghị hàm ý chính sách và các cơ hội hợp tác cùng nhau trong vấn đề di cư và sức khỏe người di cư sẽ được thảo luận mở tại phiên này.

4. Hình thức tổ chức:

Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp với các báo cáo của các chuyên gia đến từ lĩnh vực di cư, dân số, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội, giáo dục… Các phiên thảo luận được mở chào đón tất cả đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi, gợi mở vấn đề liên quan đến chủ đề và nội dung của Hội thảo.

5. Thời gian & Địa điểm:

- Thời gian: Thứ Ba, ngày 24/9/2024

- Địa điểm: Khách sạn Grand K Suites (tầng 45) Số 2 Phạm Văn Bạch, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

6. Ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh.

7. Diễn giả (xem phần giới thiệu các diễn giả):

- Các chuyên gia, nhà quản lý đến từ các lĩnh vực y tế, dân số, lao động, việc làm, an sinh xã hội, giáo dục, xã hội học.

8. Thành phần tham gia:

Hội thảo dự kiến sẽ đón nhận sự quan tâm, tham dự của ít nhất từ 80 đến 100 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến di cư, y tế, dân số, hợp tác quốc tế đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư, Chi cục Dân số một số tỉnh, thành phố, các cơ quan của Liên hợp quốc như Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, báo chí và các bên có liên quan.

Bộ tài liệu hội thảo:

1_Di cu noi dia.pdf

2_Suc khoe nguoi di cu_Toi.pptx

3_Vien SKNN MT trình bày Hội thảo 24.9.pptx

4 WHO_Migratioan Health towards UHC_Huy presentation _VIE.pptx

5_THAM LUẬN CỦA TỈNH BẮC GIANG.pptx

6_Di cu noi dia va Phat trien_Vn (9.2024).pptx

7_Viec lam & ASXH cho LD di cu_Hai Ninh_22.9.2024_revised.pptx

8_Vai tro cua Doanh nghiep.pptx

9_ VN Presentation_Nghiem Thi Thuy_final.pptx

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *