Di cư và sức khỏe người di cư nội địa
(ĐCSVN) - Hội thảo "Di cư và sức khỏe người di cư nội địa" được tổ chức với mục tiêu nhận diện một số vấn đề di cư của Việt Nam hiện nay, hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của người di cư nội địa và những thách thức mà người di cư gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm nâng cao sức khỏe người di cư.
Ngày 24/9, Cục Dân số phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Di cư và Sức khỏe người di cư nội địa”. Hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di cư, dân số, y tế, việc làm, an sinh xã hội... tham dự Hội thảo.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, Việt Nam có các dòng di cư chính gồm: Thành thị - Thành thị (44,6%), Nông thôn - Thành thị (23,7%), Nông thôn - Nông thôn (22,8%) và Thành thị - Nông thôn (9%). Như vậy, dòng di cư chủ đạo là Thành thị - Thành thị.
Khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là đồng bằng sông Cửu Long và Trung du, miền núi phía Bắc. Khu vực thu hút người di cư nhất là Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh có tỷ suất xuất cư cao như: Lạng Sơn, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư cao như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Long An.
Về độ tuổi, tỷ lệ người trong nhóm tuổi 20-24 di cư cao nhất và nguyên nhân chủ yếu của di cư là việc làm (chiếm 54,5%). Tỷ lệ nữ di cư cũng cao hơn nam, chiếm 53,2%.
Trong số những người di cư được khảo sát, 70,2% cho biết có bảo hiểm y tế, trên 70% người di cư sử dụng dịch vụ y tế công.
Mặc dù không có rào cản, khó khăn về tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng người di cư lại thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và gặp khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội, trong các tình huống y tế công cộng (người di cư trong đại dịch COVID-19 là một ví dụ, họ bị hạn chế di chuyển, mất việc làm, gặp phải sự chậm trễ và gián đoạn trong việc chăm sóc sức khỏe).
Bà Mihyung Park, Trưởng phái đoàn Di cư Quốc tế tại Việt Nam và ông Lương Quang Đảng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về dân số và phát triển, Ban Thư ký Nhóm sức khỏe người di cư Việt Nam cho biết, người di cư có vai trò và tác động lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sức khỏe người di cư cũng chính là sức khỏe của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhận diện một số vấn đề di cư của Việt Nam hiện nay, hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của người di cư nội địa và những thách thức mà người di cư gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm nâng cao sức khỏe người di cư.
Trong 1 ngày, Hội thảo sẽ diễn ra 4 phiên xoay quanh các nội dung: Tổng quan về di cư Việt Nam; Nâng vao sức khỏe người di cư; Di cư và phát triển về vững; Di cư và nâng cao sức khỏe người di cư.
Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn các diễn giả tập trung nhận diện một số vấn đề nhân khẩu học của di cư nội địa hiện nay; mối quan hệ giữa di cư với phát triển bền vững, di cư với việc làm, di cư với an sinh xã hội, di cư với giới và đặc biệt là hướng đến việc nâng cao sức khỏe người di cư; tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay và đưa ra các khuyến nghị phù hợp./.